Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Tại sao phải chú ý an toàn khi sử dụng hóa chất?

1/. Tác hại của hóa chất


Hóa chất: có thể ảnh hưởng bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, bao gồm đường hô hấp (mũi, khí quản, phổi), tiêu hóa (miệng, họng, dạ dày,...) tuần hoàn (tim, máu), thần kinh (não, thần kinh các tế bào) và sinh sản (tinh trùng, trứng,...). Một số hóa chất như axit không đặc hiệu và gây ra thiệt hại khi tiếp xúc trực tiếp. Hóa chất khác như xăng, dầu có thể được hấp thu vào máu và truyền khắp cơ thể. Một số hóa chất ảnh hưởng trực tiếp và một số ảnh hưởng gián tiếp.

Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động và bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng nguy hại trong việc sử dụng hóa chất ngày càng được quan tâm rộng rãi trên thế giới cũng như ở nước ta. 

2/. Phương pháp kiểm soát nhằm loại trừ hoặc làm giảm khả năng tiếp xúc với hóa chất

Thứ nhất: Loại bỏ các chất hoặc các quá trình độc hại, nguy hiểm hoặc thay thế chúng bằng các chất, các quá trình khác ít nguy hiểm hơn hoặc không còn nguy hiểm nữa. Ví dụ như: Sử dụng sơn hoặc keo tan trong nước thay thế cho sơn hoặc keo tan trong dung môi hữu cơ; hoặc dùng triclometan làm tác nhân tẩy nhờn thay cho triclo-etylen . Thay quy trình: Thay việc sơn phun bằng phương pháp sơn tĩnh điện hoặc sơn nhúng. Áp dụng phương pháp nạp nguyên liệu bằng máy thay cho việc nạp nguyên liệu thủ công.

Thứ hai: Cách ly nguồn phát sinh hóa chất nguy hiểm với người lao động bằng các khoảng cách an toàn hoặc che chắn nguồn hóa chất nguy hiểm nhằm ngăn cách mọi nguy cơ liên quan tới hóa chất đối với người lao động. Có thể giảm sự tiếp xúc với các hóa chất độc hại bằng việc di chuyển các quy trình và công đoạn sản xuất các hóa chất này tới vị trí an toàn, cách xa người lao động trong nhà máy hoặc xây tường để cách ly chúng ra khỏi quá trình sản xuất có điều kiện làm việc bình thường khác. Chẳng hạn như cách ly quá trình phun sơn với các quá trình sản xuất khác trong nhà máy bằng các bức tường hoặc rào chắn... Bên cạnh đó, cần phải cách ly hóa chất dễ cháy nổ với các nguồn nhiệt, như thuốc nổ phải được đặt ở xa các máy mài, máy cưa...

Thứ ba: Sử dụng hệ thống thông gió thích hợp để di chuyển hoặc làm giảm nồng độ độc hại trong không khí như khói, khí, bụi...

Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà người ta có thể bố trí hệ thống thông gió cục bộ ngay tại nơi phát sinh hơi, khí độc hay hệ thống thông gió cho toàn nhà máy hoặc áp dụng kết hợp cả 2 hệ thống. Cần lưu ý rằng: Để hệ thống thông gió hoạt động có hiệu quả, chúng phải được bảo dưỡng thường xuyên.

Thứ tư: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhằm ngăn ngừa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bao gồm: mặt nạ phòng độc, kính an toàn, quần áo, găng tay, giày ủng (một điều cần phải hết sức lưu ý là vật liệu làm những trang thiết bị này phải có khả năng chống được các hóa chất tương ứng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét